I. THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ DỰ ÁN
1. Tên dự án: Thúc đẩy năng lượng sinh khối cho các cộng đồng nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực ASEAN
2. Nhà tài trợ: Chính phủ Nhật Bản thông qua Quỹ hội nhập ASEAN - Nhật Bản (JAIF)[1]
3. Tên và địa chỉ liên lạc của cơ quan chủ quản và chủ dự án.
Cơ quan chủ quản: Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2 Ngọc Hà, Hà Nội
Chủ dự án:
- Vụ Hợp tác quốc tế
- Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
4. Thời gian thực hiện dự án: 5/2018 – 12/2019
5. Địa điểm thực hiện dự án: Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN
II. BỐI CẢNH VÀ SỰ CẦN THIẾT CỦA DỰ ÁN
1. Bối cảnh
Để ứng phó với vấn đề mất an ninh lương thực do những thách thức của tăng giá lương thực, biến đổi khí hậu và năng lượng sinh học, các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao lần thứ 14 được tổ chức vào ngày 28/2 – 1/3/2009 đã thống nhất coi an ninh lương thực là vấn đề lâu dài và ưu tiên nhằm thực hiện các mục tiêu của Hội nghị Lương thực thế giới và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Thông qua Tuyên bố về An ninh lương thực trong khu vực ASEAN, các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết các nội dung sau đây:
- Thông qua Khung An ninh lương thực tổng hợp ASEAN (AIFS) và Kế hoạch hành động Chiến lược về an ninh lương thực khu vực ASEAN (SPA-FS) (2009-2013) và đảm bảo các nguồn lực cần thiết để thực hiện Kế hoạch này;
- Các Bộ trưởng Nông, Lâm nghiệp ASEAN (AMAF) với sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN có nhiệm vụ thực hiện SPA-FS và xác định phương thức để hỗ trợ triển khai các biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu của Tuyên bố này. AMAF cũng có nhiệm vụ hợp tác với các Ban ngành ASEAN khác có liên quan;
- Hợp tác với các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp quốc để thực hiện mục tiêu của Kế hoạch Hành động của Hội nghị Lương thực Thế giới cũng như Tuyên bố Hội nghị Cấp cao về An ninh Lương thực Thế giới: Những thách thức của Biến đổi khí hậu và Năng lượng sinh học.
Trong quá trình thực hiện Khung AIFS và SPA-FS, AMAF đã chỉ đạo SOM-AMAF (Hội nghị các quan chức cao cấp nông, lâm nghiệp ASEAN) và các nhóm công tác trực thuộc với sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN để xác định và xây dựng các dự án và hoạt động hỗ trợ Khung AIFS và Kế hoạch Hành động.
Năng lượng sinh khối cho cộng đồng nông nghiệp và phát triển nông thôn là một chiến lược quan trọng được nêu trong Khung An ninh lương thực tổng hợp ASEAN (AIFS) và cơ chế ASEAN+3[2] về phát triển năng lượng sinh học và an ninh lương thực. Với tầm quan trọng và lợi ích của năng lượng sinh khối đối với cộng đồng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quỹ hội nhập ASEAN-Nhật Bản (JAIF), dưới sự hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ Kinh tế khẩn cấp (EEA), đã tài trợ dự án mới nhằm giải quyết những vấn đề này.
2. Phân tích vấn đề và đánh giá
Một trong những nguyên nhân cơ bản là quan niệm sai lầm và thiếu hỗ trợ cho sản xuất năng lượng sinh khối. Năng lượng sinh khối thường bị đánh giá là không thể hỗ trợ và xã hội hóa. Một số chính quyền địa phương cho rằng chi phí sản xuất năng lượng sinh khối ban đầu khá cao và việc thu gom phế phụ phẩm lâm nghiệp và nông nghiệp sẽ không hiệu quả về mặt chi phí.
Một số tổ chức trong khu vực đang thực hiện nghiên cứu và phát triển năng lượng sinh khối trên cơ sở thương mại hóa. Tuy nhiên, các hoạt động này chưa nhận được sự quan tâm tương xứng trong cộng đồng ASEAN. Bên cạnh đó, các yếu tố chuyển giao công nghệ và thực hành, quản lý, tập huấn không được thực hiện đầy đủ do ảnh hưởng của các điều kiện địa phương.
Hơn nữa, các chính sách và chiến lược của Chính phủ liên quan đến phát triển năng lượng sinh khối chưa được xác định rõ ràng, chỉ giới hạn ở việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm về sử dụng các công nghệ năng lượng sinh khối thích hợp giữa các tổ chức thực hiện trong khu vực ASEAN. Ngoài ra, thiếu công nghệ thích hợp cũng liên quan trực tiếp đến nhận thức của các nước trong khu vực về tiềm năng năng lượng sinh khối trong khu vực.
Việc thiếu cơ chế thúc đẩy và khuyến khích năng tự chủ giữa các cộng đồng địa phương đã được xác định. Công nghệ được giới thiệu hiện nay đều có chi phí cao, không phù hợp với quy mô nhỏ của hộ nông dân. Ngoài ra, việc phát triển công nghệ đòi hỏi một hệ thống chuyển giao hợp lý và hiệu quả. Các cơ quan và viện nghiên cứu trong nước nên hợp tác với các đối tác quốc tế trong việc phát triển công nghệ thích hợp với hộ nông dân sản xuất nhỏ và các thể chế kinh tế hợp tác. Trên hết, việc thiếu hụt nhân lực và vật lực phục vụ nghiên cứu cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản cần được giải quyết.
Phát triển năng lượng sinh khối bền vững có vai trò quan trọng trong an ninh lương thực và an ninh năng lượng tại khu vực ASEAN. Các lợi ích tiềm năng cũng như rủi ro đã được nhận thức đầy đủ, và sẽ bổ sung cho nhu cầu năng lượng của khu vực, bao gồm việc thực hiện mục tiêu toàn cầu về giảm phát thải CO2. Hệ thống năng lượng sinh khối bền vững có khả năng giảm phát thải carbon xuống mức thấp hoặc trung bình. Lượng CO2 thải ra từ quá trình đốt sinh khối nông lâm nghiệp sẽ tiếp tục tham gia vào chu trình carbon. Khí CO2 thải ra từ quá trình đốt được tái hấp thụ nhờ rừng. Vì vậy, chu trình này thực tế là sự lặp lại chu trình tự nhiên của CO2. Trong khi đó, nhiên liệu hóa thạch lấy nguồn carbon từ trong đất dẫn đến quá trình đốt cháy sẽ bổ sung CO2 vào khí quyển.
3. Tính cần thiết
Đảm bảo an ninh lương thực lâu dài trong khu vực ASEAN, giảm chi phí đầu vào nông nghiệp (ví dụ: phân bón, năng lượng cho nông nghiệp…) kết hợp với giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu từ ngành nông nghiệp đã được coi là lĩnh vực ưu tiên hợp tác của ASEAN.
Trong những năm qua, năng lượng sinh khối được sử dụng rộng rãi ở các nước ASEAN, đặc biệt là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Tuy nhiên, các công nghệ về năng lượng sinh khối vẫn cần được cải thiện và chia sẻ với các quốc gia thành viên khác để khai thác các công nghệ hiên có một cách phù hợp nhất. Việc phổ biến thông tin và chuyển giao công nghệ vẫn còn hạn chế, bao gồm việc truy cập dữ liệu của các cơ sở và viện nghiên cứu. Chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu sáng tạo và ứng dụng năng lượng sinh khối quy mô nhỏ ở cấp cộng đồng cũng chưa hiệu quả ở mọi nơi và cần được chia sẻ kinh nghiệm.
Hơn nữa, việc thu thập và sử dụng gỗ làm nguyên liệu tạo năng lượng ở các vùng nông thôn làm nghiêm trọng thêm vấn đề mất rừng và nóng lên toàn cầu. Mặt khác, gỗ và các sản phẩm lâm nghiệp khác là một nguồn thu quan trọng của cộng đồng và cần được bảo vệ.
Trên thực tế việc sử dụng năng lượng sinh khối, đặc biệt là từ chất thải nông nghiệp không chỉ hữu ích trong việc cung cấp các nguồn năng lượng chi phí thấp và giảm chi phí đầu vào mà còn giảm thiểu tác động tiêu cực của hệ thống sản xuất nông nghiệp đến môi trường. Các nước ASEAN cần xem lại tình hình sử dụng và tiêu thụ năng lượng sinh học, thực hiện các nghiên cứu thí điểm, và thúc đẩy sử dụng các mô hình và thực hành, cũng như các công nghệ phù hợp để đóng góp đáng kể vào phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn của khu vực.
Nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của năng lượng sinh khối cho cộng đồng nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và PTNT, thông qua Nhóm công tác kỹ thuật ASEAN về Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp (ATWGARD), đã đề xuất dự án “Thúc đẩy năng lượng sinh khối cho các cộng đồng nông nghiệp và phát triển nông thôn ở khu vực ASEAN” và đã được ASEAN thông qua, sử dụng nguồn vốn từ Quỹ hội nhập ASEAN - Nhật Bản (JAIF) để thực hiện.
Dự án này nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng sinh khối nông nghiệp bền vững và tăng cường chính sách quốc gia về phát triển năng lượng sinh học bền vững ở ASEAN. Dự án do Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì với sự tham gia của tất cả các nước thành viên ASEAN thông qua các hoạt động khác nhau như:
- Xây dựng các mô hình thí điểm tại các nước ASEAN về sinh khối và khuyến khích sử dụng năng lượng sinh khối (biogas, nhiên liệu sinh học và năng lượng sinh khối khác).
- Tổ chức Hội thảo khu vực để trình bày kết quả của tất cả các mô hình thí điểm tập trung vào những thách thức và bài học kinh nghiệm, hoạch định các chính sách khu vực và đưa ra các kiến nghị chính sách mới.
- Thiết lập hệ thống chia sẻ thông tin để tăng cường chính sách quốc gia và các biện pháp can thiệp nhằm phát triển năng lượng sinh học bền vững.
III. MỤC TIÊU VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN
1. Mục tiêu dài hạn
Thúc đẩy phát triển năng lượng sinh khối nông nghiệp bền vững và tăng cường các chính sách quốc gia để phát triển năng lượng sinh học bền vững.
2. Các mục tiêu cụ thể
2.1 Thử nghiệm các mô hình và thực hành năng lượng sinh khối có thể được áp dụng và thúc đẩy trong khu vực ASEAN, tìm hiểu và phát triển năng lượng sinh khối thông qua cách tiếp cận dựa vào cộng đồng, hỗ trợ các cộng đồng nông nghiệp và phát triển nông thôn;
2.2 Thực hiện các hoạt động thí điểm về cộng đồng sinh khối và khuyến khích năng lượng sinh khối nhằm nâng cao năng lực của các nước thành viên ASEAN trong sử dụng năng lượng sinh khối;
2.3 Xây dựng cơ chế chia sẻ kiến thức và phối hợp cho từng vùng, và kiến nghị chính sách nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng sinh khối cho các cộng đồng nông nghiệp và phát triển nông thôn trong khu vực ASEAN.
3. Phương pháp thực hiện
Trong phạm vị năng lực và nguồn kinh phí hiện có, phương pháp tối ưu là rà soát lại các mô hình và thực tiễn sản xuất năng lượng sinh khối hiện có và đang đượccác nước thành viên khuyến khích, công nhận và thúc đẩy.
Tiếp theo, thực hiện tài trợ cho các cộng đồng nông nghiệp/nông thôn muốn triển khai các mô hình thí điểm về năng lượng sinh khối cộng đồng và áp dụng chính sách khuyến khích sinh khối cộng đồng. Cách tiếp cận này là một trong những biện pháp tiết kiệm và tái tạo năng lượng quan trọng nhằm thúc đẩy năng lượng sinh khối nông thôn.
Các mô hình thí điểm sẽ bao gồm ba lĩnh vực sau:
i) Hầu hết các hộ nông dân tiếp tục đốt than hoặc những phụ phẩm như thân cây và củi, thường được sử dụng cho đun nấu và sưởi ấm. Quá trình chuyển hoá phế phụ phẩm nông nghiệp thành năng lượng sạch chính là cách sản xuất sinh khối điển hình. Do đó, các sáng kiến nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu như bếp nấu ăn cải tiến với lượng khí thải thấp, cũng như việc sản xuất các viên nhiên liệu sinh học có thể được coi là mô hình thí điểm. Các hoạt động thí điểm này có thể được triển khai thông qua hợp tác với các tổ chức tài chính và chính quyền địa phương.
ii) Năng lượng tái tạo sinh khối có thể được sản xuất từ nhiều nguồn nguyên liệu thải bỏ và việc sử dụng chúng sẽ giảm thiểu ô nhiễm từ việc xử lý chất thải. Các sáng kiến khác nhau về sinh khối / biogas từ chất thải chăn nuôi cũng là một hợp phần của mô hình thí điểm.
iii) Những hoạt động thí điểm của quốc gia áp dụng cộng đồng sinh khối cần được tiếp tục nhân rộng ở khu vực ASEAN để gia tăng giá trị và nâng cao khái niệm phát triển năng lượng sinh khối bền vững mà không cạnh tranh với sản xuất lương thực tại các nước thành viên ASEAN.
Ở giai đoạn sau, tổ chức hội thảo khu vực nhằm chia sẻ các bài học kinh nghiệm làm cơ sở cho các khuyến nghị chính sách và tăng cường năng lực thể chế về năng lượng sinh khối cho các cộng đồng nông nghiệp và phát triển nông thôn của khu vực ASEAN. Hội thảo đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối giữa các các cơ quan khác nhau và tạo điều kiện cho việc thiết lập mạng lưới trong khu vực.
Các yếu tố địa lý bên ngoài cũng tạo thuận lợi cho việc triển khai các phương pháp khả thi trên. Việc phần lớn các quốc gia ASEAN đều là các nước nhiệt đới, có điều kiện thuận lợi cho việc tăng sinh khối, có thể tăng cườngtự chủ về năng lượng sinh học.
Các phương pháp đề xuất hỗ trợ chiến lược 3 trong khuôn khổ APTCS-FSBD: Khuyến khích phát triển năng lượng sinh học từ phụ phẩm nông nghiệp theo hướng giảm chi phí đầu vào nông nghiệp, cải thiện sinh kế của nông dân, phát triển nông thôn lâu dài và an ninh lương thực trong khuôn khổ APTCS-FSBD.