Hội thảo khuyến nghị chính sách nhân rộng sản xuất than sinh học từ sinh khối phụ phẩm cây trồng (lúa, cà phê) và sử dụng trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo khuyến nghị chính sách nhân rộng sản xuất than sinh học từ sinh khối phụ phẩm cây trồng (lúa, cà phê) và sử dụng trong sản xuất nông nghiệp (09/08/2023)

Ngày 9/8/2023 – Trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực về sản xuất và sử dụng than sinh học từ phụ phẩm cây trồng (lúa và cà phê) ở quy mô nhỏ tại một số vùng sinh thái tại Việt Nam” (thuộc Chương trình học bổng John Dillon - Việt Nam) do ACIAR và Đại học New England tài trợ), Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Môi trường Nông nghiệp, Viện KHKH Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Viện NC Phát triển vùng (Bộ Khoa học Công nghệ) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khuyến nghị chính sách nhân rộng sản xuất than sinh học từ sinh khối phụ phẩm cây trồng (lúa, cà phê) và sử dụng trong sản xuất nông nghiệp”. Hoạt động này đóng góp vào quá trình thực hiện mục tiêu phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính được đề ra trong “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022.

Hội thảo được tổ chức tại Thái Bình với sự tham dự của 30 đại biểu đại diện cho Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và đơn vị thành viên (Viện Môi trường Nông nghiệp, Viện KHKH Nông lâm nghiệp Tây Nguyên), Viện NC Phát triển vùng (Bộ Khoa học Công nghệ), Sở Nông nghiệp và PTNT của tỉnh Thái Bình và Đắk Lắk, Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Thái Bình và Đắk Lắk, một số Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ nông nghiệp tại tỉnh Thái Bình và Đắk Lắk.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS. TS Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Theo số liệu ước tính của Viện KHNN Việt Nam, với diện tích gieo trồng trên 7,2 triệu ha, hàng năm sản xuất lúa tại Việt Nam tạo ra trên 43 triệu tấn thóc và kèm theo khoảng 57,5 triệu tấn phụ phẩm (gồm 10,9 triệu tấn rơm, 32,9 triệu tấn rạ, 8,33 triệu tấn trấu và 5,26 triệu tấn cám), chiếm 33,8%  tổng khối lượng phụ phẩm của toàn ngành trồng trọt. Đối với cà phê: Việt Nam hiện có 550 nghìn ha cà phê, mỗi năm thu hoạch từ 1,2-1,6 triệu tấn cà phê nhân và thải ra lượng phế phụ phẩm khoảng 3,18 triệu tấn (gồm 1,24 triệu tấn thân, cành, lá, rễ; 242.000 tấn vỏ/thịt quả tươi sau chế biến ướt, 109.800 tấn vỏ thóc khô, 1,53 triệu tấn vỏ quả khô và 78.650 tấn bã cà phê). Đây là nguồn “vật liệu hữu cơ” dồi dào cho sản xuất năng lượng sinh khối, than sinh học, phân hữu cơ và giá thể, vật liệu cải phủ và cải tạo đất.. nếu được xử lý và sử dụng một cách hiệu quả. Hiện nay, sản xuất than sinh học (biochar) được tạo ra từ các loại sinh khối phụ phẩm trồng trọt (trấu, rơm, rạ, thân lõi ngô, vỏ cà phê...) được coi là một trong những giải pháp xử lý sinh khối cây trồng hiệu quả, góp phần vào sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng BĐKH, thân thiện với môi trường. Sản xuất và sử dụng than sinh học trong sản xuất nông nghiệp cũng là giải pháp hiệu quả đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp.

Tại hội thảo, đại biểu đã được nghe các chuyên gia chia sẻ những nội dung về nhu cầu và xu hướng thế giới về than sinh học, cụ thể tại Việt Nam; than sinh học và các kĩ thuật sản xuất than sinh học và mô hình ứng dụng than sinh học trong sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ở Việt Nam; kinh tế tuần hoàn than sinh học từ trấu/rơm tạ và vỏ cà phê ở Việt Nam; kinh nghiệm phát triển than sinh học tại Việt Nam…  Theo đó, với đặc tính là cải thiện dinh dưỡng dễ tiêu cho cây trồng, tăng khả năng giữ nước và dinh dưỡng trong đất, cải thiện độ phì nhiêu đất thì than sinh học được xem là 'vàng đen' của sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, việc sử dụng than sinh học sản xuất từ nguồn phụ phẩm sinh khối cây trồng và bón phân chứa than sinh học giúp ổn định năng suất cây trồng, giảm chi phí đầu tư phân bón hóa học, góp phần giảm phát thải nhà kính... Tại Hội thảo, một số đại biểu có ý kiến đề xuất về việc cần đánh giá hiệu quả kinh tế, chi phí đầu tư cho sản xuất và sử dụng than sinh học so với các phương thức tái sử dụng phế phụ phẩm khác như làm/ủ phân bón hữu cơ sinh học, làm giá thể và vật liệu cải tạo đất…

Phát biểu tại Hội thảo, TS Ngô Đức Minh (Viện KHNN Việt Nam) cho rằng: Sản xuất than sinh học từ sinh khối phụ phẩm trồng trọt được coi là một hình thức phát thải âm với những lợi ích tiềm năng to lớn trong thực hành nông nghiệp tái tạo theo hướng tuần hoàn. Sử dụng than sinh học trong nông nghiệp (cải tạo đất, sản xuất phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học…) là một hướng đi mới và đầu tiềm năng của ngành nông nghiệp. Ứng dụng than sinh học cũng được coi là một giải pháp khử các-bon hiệu quả và bền vững trong nông nghiệp giúp thoát dần việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch, tận dụng tối đa tài nguyên tái tạo từ nguồn sinh khối phụ phẩm cây trồng, chất thải trong nông nghiệp, góp phần hỗ trợ giảm thiểu biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. Theo TS Phan Việt Hà (Viện KHKH Nông lâm nghiệp Tây Nguyên), để khuyến khích sản xuất than sinh học, cần tìm kiếm và giới thiệu các giải pháp công nghệ sản xuất than sinh học hiệu quả nhưng chi phí đầu tư thấp và có thiết kế phù hợp với quy mô, khả năng đầu tư và năng lực của hợp tác xã và nông hộ tại Việt Nam. Sản phẩm đầu ra của công nghệ không chỉ là than sinh học mà còn cả năng lượng phục vụ quá trình sấy và chế biến nông sản.

Liên quan đến chính sách cho sản xuất và ứng dụng than sinh học trong nông nghiệp, TS. Trần Văn Thể, Phó Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp, đại diện nhóm thực hiện dự án cho biết: Bên cạnh lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp là lĩnh vực phát thải và hấp thụ các-bon chủ yếu của Việt Nam. Vì vậy, chính phủ Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu giải phát thải của Việt Nam đổi mới công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, thay đổi phương thức sử dụng đất, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp phát thải thấp, tái sử dụng phế phụ phẩm trồng trọt và xử lý chất thải... Tuy nhiên, để thúc đẩy hợp tác và phát triển sản xuất than sinh học ở Việt Nam thì cần xây dựng chiến lược, lộ trình và khung pháp lý phù hợp. Sản xuất than sinh học từ sinh khối phụ phẩm cây trồng nói chung và từ sinh khối phụ phẩm cây lúa và cà phê nói riêng cần lồng ghép trong các cơ chế chính sách, các chương trình quốc gia, kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn, bồi thường và trao đổi tín chỉ carbon, giảm phát thải khí nhà kính, môi trường nông nghiệp, khuyến nông… Ngoài ra, cân thiết phải thành lập mạng lưới và diễn đàn (với sự tham gia của các viện nghiên cứu, học viện, hệ thống khuyến nông quốc gia, và khu vực tư nhân) chia sẻ thông tin, kiến thức và công nghệ về tái sử dụng sinh khối tàn dư của cây trồng, trong đó có sản xuất và sử dụng than sinh học. 

Hội thảo đã nâng cao nhận thức về lợi ích và tiềm năng ứng dụng của than sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó khuyến nghị các chính sách, cơ chế kết nối hợp tác để thúc đẩy hoạt động chuyển đổi sinh khối phụ phẩm nông nghiệp (vỏ trấu/rơm rạ, vỏ cà phê) thành than sinh học giá trị và năng lượng sạch.

(Ngô Đức Minh/Trần Văn Thể)

MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA HỘI THẢO

Download